Du học dễ dàng - Du học không dễ dàng
BẠN MUỐN DU HỌC NHẬT DỄ DÀNG??
Takahashi muốn nói về chủ đề "Du học dễ dàng - Du học không dễ dàng" bởi vì có nhiều bạn vẫn nghĩ du học là một việc gì đó rất khó khăn. Tất nhiên, có nhiều trường hợp thì đi du học là không dễ dàng, nhưng cũng có thể sẽ rất dễ dàng. Quan trọng là, bạn phải làm gì để việc du học của bạn trở nên dễ dàng hơn?Quyết định đi du học thật là khó khăn phải không? Đương nhiên là phải như vậy, và cũng nên như vậy. Bạn phải cân nhắc kỹ vì nó liên quan đến tài chính, mà tài chính này lại không phải của bạn (thường là của gia đình hay vay đâu đó). Nếu bạn có nhiều tiền thì việc du học sẽ cực kỳ đơn giản. Tuy nhiên, nếu bạn thực sự có nhiều tiền thì bạn cũng nên tính toán chi phí sao cho rẻ nhất - Cũng là một cách học về tài chính mà không cần qua trường lớp.
Nếu bạn không có nhiều tiền trong tài khoản, và cũng không ai ủng hộ hay cho bạn vay tiền du học thì chắc chắn một điều: Ước mơ du học của bạn còn rất xa mới trở thành hiện thực!
Dưới đây là một số điều bạn nên cân nhắc và tiến hành để làm cho việc du học trở nên dễ dàng hơn.
Tài chính - Bảo lãnh
Bạn cần có một người bảo lãnh cho bạn. Người đó nên là cha/mẹ bạn, tuy nhiên không phải bạn nào cũng sống cùng cha/mẹ cả, nên tùy tình hình mà bạn tìm người bảo lãnh phù hợp cho bạn. Ví dụ cô ruột, chú ruột, nhìn chung là những người có liên quan về huyết thống. Nếu vẫn không có ai thì bạn có thể kiếm người nào thân thiết với bạn (nhưng không có quan hệ huyết thống).Người bảo lãnh cần phải chứng minh thu nhập và chứng minh khả năng tài chính (cho việc du học của bạn). Sẽ cần một tờ đơn bảo lãnh (bảo đảm chu cấp tài chính cho bạn - theo form có sẵn) cũng như cần bản sao sổ tiết kiệm ngân hàng và chứng nhận số dư tài khoản của ngân hàng.
Tài chính du học: Ví dụ nếu đi theo chương trình Chikyujin, thì bạn sẽ phải trả trước ngay 6 tháng học phí và ký túc xá khoảng 600,000 yên - mức phí này hầu như chung cho mọi trường Nhật ngữ tại Nhật. Như vậy, bạn cần chuẩn bị ít nhất khoản tiền này kèm theo các chi phí kèm theo (dịch hồ sơ, phí gửi tiền chẳng hạn).
Sự ủng hộ của gia đình
Bạn nên có được sự ủng hộ của gia đình. Sẽ không nhiều gia đình muốn con cái họ đi xa, nhất là tới đất nước họ chưa biết gì. Họ cũng sợ con cái mình vất vả. Tuy nhiên, nếu bạn có đủ thông tin thì du học không phải là thứ gì vất vả hay quá sức. Bạn nên tìm hiểu thông tin về cuộc sống nước bạn muốn đến để thuyết phục gia đình, ví dụ chi phí sinh hoạt, mức sống, tiền ký túc xá, v.v...Nếu bạn có thể cho gia đình thấy bạn có một con đường du học dễ dàng thì xác suất bạn nhận được sự ủng hộ sẽ cao hơn.
Nếu bạn muốn đi du học mà gia đình nhất định không cho? Có lẽ bạn phải cương quyết theo đuổi ước mơ của mình mà thôi. Nếu không, cơ hội có thể sẽ ra đi mãi mãi hoặc sẽ rất lâu sau bạn mới lại có cơ hội - lúc đó có khi bạn cũng không muốn nắm bắt nữa.
Mục đích du học
Để du học dễ dàng thì bạn nên hiểu là:- Du học không phải để kiếm tiền trả nợ
- Du học không phải là để làm giàu gửi về cho gia đình
Chú ý: Nếu bạn thi rớt trong quá trình học thì sẽ rất phiền và tốn kém (ví bạn phải xin được thỉnh giảng ở trường đại học, phải nộp tiền học phí và cũng chỉ được tối đa 6 tháng) nên mục đích kiếm tiền của bạn sẽ bị lung lay hay sụp đổ.
Bạn cũng phải hiểu là để du học Nhật thì bạn phải học tiếng Nhật, nên khi có ý định du học thì bạn phải xem mìnhđã sẵn sàng học tiếng Nhật chưa. Nếu bạn chẳng yêu thích tiếng Nhật hay văn hóa Nhật thì có lẽ bạn nên thử với du học các nước khác (Anh, Mỹ, Úc, Singapore, Malaysia, Thái Lan, v.v...), tóm lại là nước nào dễ nhất với bạn.
Ngay cả bạn muốn đi du học để kiếm tiền, thì bạn cũng nên tìm một mục đích du học khác để bạn có động lực học tập và sinh sống tại Nhật. => Không nên du học chỉ để kiếm tiền, hãy tìm thêm mục đích khác nữa.
Tiếng Nhật
Bạn nên chuẩn bị về tiếng Nhật, khi làm hồ sơ sẽ dễ được duyệt hơn, và cũng là để bạn chuẩn bị tốt hơn. Mục đích việc học / thi tiếng Nhật gồm có:- Thử xem bạn có sẵn sàng học ngôn ngữ này không
- Khi sang Nhật không bỡ ngỡ
- Có giấy tờ làm hồ sơ khi đăng ký du học Nhật
- Dễ thuyết phục gia đình hơn (chẳng ai lại yên tâm cho bạn đi một nước mà một chữ bẻ đôi bạn cũng không biết! cho dù bạn có là một thiên tài thực sự)
- Bằng cấp tiếng Nhật: Ví dụ JLPT, J-Test, NAT-TEST, v.v... hay sơ cấp, trung cấp, cao cấp (của các trung tâm Nhật ngữ)
- Nếu không lấy được bằng (thi rớt chẳng hạn) thì bạn dùng phiếu dự thi: Ví dụ phiếu dự kỳ thi của JLPT, phiếu báo kết quả
- Các bằng cấp tiếng Nhật khác: Ví dụ khóa tiếng Nhật chuyên sâu của trường XYZ
- Chứng nhận học tiếng Nhật: Bạn nên xin các trung tâm mà bạn đã từng học
Chú ý là kỳ thi lớn như JLPT chỉ tổ chức 2 lần 1 năm (tháng 7 và 12) và phải đăng ký trước khá lâu, chờ kết quả cũng khá lâu (2 tháng) nên có thể không kịp. Nếu không kịp bạn nên thi J-Test, NAT-Test (tổ chức 2 tháng 1 lần) và dùng các kết quả này.
Làm thủ tục du học không khó!
Đã có các form có sẵn. Chứng minh tài chính, chứng minh thu nhập cũng có trình tự có sẵn. Bạn chỉ cần dịch thuật và công chứng (ở đâu cũng được) một số tài liệu ra tiếng Nhật.Nếu bạn có bằng cao đẳng hay đại học thì càng dễ hơn: Bạn chỉ cần bằng và bảng điểm. Còn nếu không thì bạn phải dùng bằng và học bạ cấp 3 (sẽ hơi dày và nặng tay!).
Điều quan trọng nhất: Quyết định của bạn
Điều quan trọng nhất vẫn là bạn có trả lời được các câu hỏi sau hay không mà thôi:- Tại sao mình muốn du học?
- Mình sẽ cần các chi phí gì?
- Mình sẽ được gì qua việc du học?
- Đi Nhật có phải là ước mơ thực sự của mình không? v.v...
Nhiều con đường du học
Tôi xin liệt kê ra đây:- Con đường học bổng chính phủ Nhật: Bạn vào đại học, có thành tích năm 1 tốt và được đăng ký đi thi tại đại sứ quán Nhật => Nhận được học bổng đi Nhật
- Thi kỳ thi EJU (kỳ thi lưu học sinh) tại Việt Nam => Đăng ký và được nhận vào trường có sử dụng kết quả EJU
- Đi du học tự túc: Qua các trung tâm môi giới du học
- Đi du học qua chương trình Chikyujin (vừa học vừa làm thêm)
- Đi du học dạng trao đổi 1 năm: Ví dụ bạn học đại học Nhân văn, tiếng Nhật có bằng N1, N2 và thi phỏng vấn đậu; Hay các chương trình trao đổi sinh viên khác
- Bạn liên hệ trực tiếp với trường Nhật ngữ tại Nhật để đi du học theo học bổng ... gia đình chu cấp!
Đi du học tự túc: Phải vừa học vừa làm thêm, tuy nhiên lại hòa nhập cuộc sống bên Nhật và có thông tin chọn trường tốt hơn.
Đi du học kèm việc làm thêm: Bạn có thể an toàn về tài chính (có thể về nước sau học tiếng Nhật mà không thiệt hại).
Có học bổng cũng ... chưa chắc ngon lành!
Nhiều bạn nghĩ có học bổng chính phủ Nhật (học bổng MEXT) là sướng lắm, nhưng cũng chưa chắc như vậy. Bởi vì có học bổng thì bạn lại chẳng phải nỗ lực gì mấy nên mất cơ hội khám phá cuộc sống bên ngoài. Tiếng Nhật của bạn cũng chưa chắc giỏi (nhiều bạn cũng chẳng có bằng N1) vì ít cơ hội giao tiếp thực tế. Nếu bạn đi làm, ví dụ ở chợ cá, thì chắc chắn bạn xử lý tình huống tốt hơn chứ?! (chửi nhau vì một con cá chẳng hạn!).
Nên nhớ là: Cuộc sống của bạn sau này có hoành tráng hay không không phụ thuộc bạn có học bổng hay không, đi du học tự túc hay được chu cấp mà phụ thuộc vào những thứ bạn học được từ thế giới bên ngoài trong quá trình du học.
留学=旅
DU HỌC LÀ MỘT CHUYẾN ĐI
Bạn có đi chuyến đi này hay không?
0 nhận xét:
Post a Comment